4/1/16

Nguyên nhân gây cơn đau thắt ngực

 Đau thắt ngực là một chứng bệnh gặp khá nhiều trong cộng đồng. Bệnh gặp chủ yếu ở người trưởng thành, đặc biệt lưu ý là người tuổi cao.

     Một số trường hợp đau thắt ngực không chữa trị có thể để lại hậu quả xấu và khó lường trước. Xin đừng chủ quan.

      Đau tức ngực có thể là dạng đau thắt ngực hoặc có thể là đau tức vùng ngực. Lồng ngực là một khoang dưới cổ và trên cơ hoành, bao quanh là xương của ngực (xương ức, xương sườn, xương cột sống lưng). Xương sườn nối với xương ức ở phía trước và các đốt sống ở phía sau tạo thành một cái chuông hình nón. Giữa các xương sườn là khoảng cách liên sườn, trong đó có dây thần kinh liên sườn, mạch máu và cơ. Lồng ngực còn có thực quản đi qua (nằm sau xương ức) để xuống dạ dày. Vì vậy, khi đau tức ngực có nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên.


     Nguyên nhân thường gặp nhất gây đau thắt ngực là bệnh mạch vành, ít gặp hơn là do co thắt các động mạch vành.
Bệnh mạch vành
       Các động mạch vành cung cấp máu giàu ôxy cho cơ tim. Bệnh động mạch vành xuất hiện khi cholesterol tích tụ lại trên thành động mạch làm hình thành những chất cứng và dày được gọi là những mảng cholesterol.
        Sự tích tụ các mảng cholesterol này lâu dần sẽ gây ra hẹp các động mạch vành, quá trình này được gọi là quá trình xơ hóa động mạch. Quá trình xơ hóa động mạch có thể tăng tốc dưới tác động của việc hút thuốc lá, tăng huyết áp, tăng nồng độ cholesterol và đái tháo đường.
        Khi các động mạch vành trở nên hẹp hơn 50% đến 70% thì chúng sẽ không còn đáp ứng được nhu cầu ôxy của cơ tim trong lúc vận động hoặc trong lúc stress nữa. Cơ tim thiếu ôxy sẽ gây ra đau ngực (đau thắt ngực).
Co thắt động mạch vành

       Thành của các động mạch được bao bọc bởi các sợi cơ. Sự co thắt nhanh của các sợi cơ này có thể làm cho các động mạch hẹp đột ngột. Sự co thắt của các động mạch vành này làm giảm lượng máu đến cơ tim và gây đau thắt ngực.
        Khi đau tức ngực, nhất là đau thắt khi gắng sức và giảm hoặc ngừng đau thắt sau khi nghỉ ngơi, nguyên nhân, có thể là thiểu năng mạch vành, nếu nặng có thể nhồi máu cơ tim. Đây là dạng đau thắt ngực nguy hiểm nhất, không chỉ ở người cao tuổi mà các lứa tuổi trẻ hơn cũng cần cảnh giác. Mỗi cơn đau thắt ngực như vậy kéo dài khoảng từ 10 – 20 phút và hầu như hết đau khi ngưng hoạt động mạnh hoặc dùng thuốc giãn mạch (vastarel, nitroglycerin). Cơn đau thắt ngực có thể tái phát bất cứ lúc nào.


Khi bị đau tức ngực, cần đi khám bệnh càng sớm càng tốt
       Một số trường hợp khi bị chấn thương lồng ngực gây đau tức ngực hoặc đau dây thần kinh liên sườn, gây nên đau tức ngực, nhất là đau nhói dọc theo bờ dưới xương sườn. Đau dây thần kinh liên sườn có nhiều nguyên nhân, trong đó hay gặp nhất là do thoái hóa cột sống lưng (D1- D12).
        Đau tức ngực còn có thể do bệnh thuộc hệ thống đường tiêu hóa trên (bệnh viêm, loét thực quản, nhất là bỏng do acid hoặc hội chứng trào ngược dạ dày thực quản thường gây đau tức ngực nhưng vị trí đau xuất hiện ở sau xương ức). Đau tức ngực còn có thể do ảnh hưởng của cơn đau dạ dày cấp, trong trường hợp này thường có kèm theo các triệu chứng khác của bệnh dạ dày (tiền sử viêm loét dạ dày, ợ hơi, ợ chua, nóng rát, đau âm ỉ vùng thượng). Đau tức ngực cũng có thể do áp-xe cơ hoành.
Nên làm gì khi bị đau tức ngực?
        Khi bị đau tức ngực cần đi khám bệnh càng sớm càng tốt để xác định nguyên nhân gây bệnh, đặc biệt ở người tuổi cao có kèm theo các bệnh như tăng huyết áp, đái tháo đường, xơ vữa động mạch hoặc có tăng mỡ máu hoặc các bệnh về đường hô hấp.
         Sau khi xác định nguyên nhân đau tức ngực, người bệnh cần tích cực điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Với người bị đau thắt ngực liên quan đến tim (thiểu năng mạch vành, nhối máu cơ tim) phải hết sức thận trọng, ngoài việc dùng thuốc giãn mạch một cách đều đặn do bác sĩ chỉ định, cần có một chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng hợp lý.
PGS.TS. BÙI KHẮC HẬU
 Một số căn bệnh thường gặp ở người già 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Chat với chúng tôi!